TS Lương Hoài Nam đề xuất bậc tiểu học 6 năm

Tháng Tư 14, 2016 11:25 sáng

TS Lương Hoài Nam vừa gửi văn bản đến Bộ Giáo dục và Đào tạo góp ý cho dự thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”. Theo đó, ông Nam cho rằng cần đặt ra một số mục tiêu đổi mới giáo dục cụ thể đủ lớn và có tính khả thi, làm sao để tất cả cơ quan nhà nước, toàn ngành giáo dục và đông đảo tầng lớn nhân dân, học sinh thông hiểu và chia sẻ đây là một việc quan trọng, thiết thực, đáng làm, phải làm, không làm không được.

TS Nam nhận thấy, hiện nay có sự mâu thuẫn phổ biến trước các đề án đổi mới. Một mặt, người dân không hài lòng với tình hình hiện tại, không ít người lên tiếng phê phán, chỉ trích. Nhưng mặt khác, họ lại thiếu niềm tin vào năng lực thay đổi, cải thiện tình hình của cơ quan quản lý chủ trì đề án. Không ít người cho rằng các đề án đổi mới chẳng qua chỉ là cách cơ quan quản lý “vẽ việc tiêu tiền”, vì lợi ích nhóm, còn kết quả, hiệu quả thu được thì đáng nghi ngờ. Mâu thuẫn này cũng đã và đang diễn ra đối với đề án đổi mới giáo dục Việt Nam.

“Cuối thế kỷ 19, khi người dân Nhật Bản đồng thuận với chủ trương đổi mới giáo dục của Hoàng đế Minh Trị theo tinh thần của Fukuzawa, họ đã không ngần ngại bỏ tiền của gia đình ra đóng góp xây trường, mời giáo viên nước ngoài sang Nhật Bản dạy cho con em. Nhờ sự chia sẻ, ủng hộ của người dân Nhật Bản, công cuộc đổi mới giáo dục thời Minh Trị đã thành công rực rỡ, biến Nhật Bản từ một quốc gia lệ thuộc thành cường quốc kinh tế, quân sự”, ông Nam dẫn chứng và khẳng định, có được sự ủng hộ của người dân thì đổi mới giáo dục ở Việt Nam mới thành công.

10405500-10204799158166605-772-7725-8401

TS Lương Hoài Nam luôn trăn trở với giáo dục Việt Nam.

Cần giải quyết nhược điểm của ‘người Việt Nam điển hình’

Theo TS Nam, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của lần đổi mới giáo dục này là giải quyết những yếu kém, nhược điểm của “con người Việt Nam điển hình” đã và đang cản trở khả năng phát triển của mỗi cá nhân và đất nước, để hình thành những thế hệ công dân Việt Nam có phẩm chất, năng lực, trình độ vượt bậc, có cơ hội phát triển và cuộc sống tốt hơn.

Những yếu kém, nhược điểm của “con người Việt Nam điển hình” gồm có: Hiểu biết luật pháp quốc gia và quốc tế hạn chế; Sống và làm việc cảm tính, duy tình hơn duy lý, dễ dãi, xuề xoà, tính kỷ luật thấp; Khả năng sáng tạo công nghệ và làm công nghiệp kém; Ngoại ngữ (tiếng Anh) yếu…

Phải ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc tế

TS Nam cũng cho rằng, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang thiếu tham chiếu và chưa ứng dụng “Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục” của UNESCO (“International Standard Classification of Education – ISCED”), làm cho Chương trình giáo dục phổ thông (dự thảo) chưa tương thích cao với các hệ thống giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Đây là một khiếm khuyết lớn.

Qua nghiên cứu ISCED và một số nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, Phần Lan, Singapore…, TS Nam cho rằng ISCED là bộ tài liệu hướng dẫn, “bộ khung” vô cùng quan trọng cho việc xây dựng một hệ thống giáo dục quốc gia (hoặc đổi mới từ hệ thống giáo dục hiện tại). ISCED nêu rõ kết cấu các bậc học (6 bậc học theo ISCED 1997, 8 bậc học theo ISCED 2011), tiêu chuẩn đầu vào, mục tiêu đầu ra của mỗi bậc học, cách phân luồng học sinh trong các bậc học để học sinh phát huy tối đa tố chất, năng khiếu, nhu cầu hướng nghiệp của cá nhân. Thực tế là hệ thống giáo dục của nhiều nước tiên tiến tương thích rất cao với ISCED (cũng có thể ISCED được xây dựng trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn của các nền giáo dục tiên tiến).

Nếu Bộ Giáo dục không lấy ISCED làm xuất phát điểm quan trọng cho việc xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, mà lại nghiên cứu ngay vào hệ thống giáo dục của các nước cụ thể thì khó có thể tạo ra được một hệ thống giáo dục khoa học, với các liên kết nội dung chặt chẽ trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Bởi vì từ một bộ khung tốt có thể xây nên các ngôi nhà khác nhau, nhưng khi thiết kế một ngôi nhà cần biết rõ bộ khung, sau đó mới đi vào thiết kế chi tiết.

“Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, sự tương thích về giáo dục một mặt giúp nâng cao chất lượng giáo dục, mặt khác tạo các cơ hội liên thông giáo dục – đào tạo giữa nước ta và các nước khác, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh Việt Nam khi đi du học nước ngoài, vừa tăng cơ hội cung cấp dịch vụ giáo dục – đào tạo cho học sinh nước ngoài ở Việt Nam trong tương lai”, ông Nam nói.

Vấn đề thứ ba tiến sĩ Nam nhận thấy là kết cấu, mô hình hệ thống giáo dục thiếu rõ ràng; yếu tố phân luồng, phương pháp phân luồng giáo dục còn mờ nhạt. Dẫn chứng dự thảo có nêu các môn học cho từng cấp, tuy nhiên lại không vẽ ra được sơ đồ tổ chức và phân luồng giáo dục theo Chương trình mới (dạng mà có thể dễ dàng tìm được với các nền giáo dục tiên tiến): Đồng thời, ông cũng không tìm thấy chủ trương, phương pháp phân luồng giáo dục ngay từ cấp Trung học cơ sở theo khuyến cáo của ISCED và được áp dụng tại rất nhiều nước.

Đề xuất cấp tiểu học 6 năm